Nguyên nhân khiến Pavlopetri, thành phố có niên đại ước tính khoảng 5.000 năm, chìm xuống đáy biển vẫn là một bí ẩn.

Thành phố thời Đồ Đồng Pavlopetri nhìn từ trên cao. Ảnh: Aerial-motion
Thành phố thời Đồ Đồng Pavlopetri nhìn từ trên cao. Ảnh: Aerial-motion

Những phát hiện khảo cổ dưới nước như thành phố thất lạc, cổ vật được giấu kín hoặc xác tàu đắm thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học. Một ví dụ tuyệt vời về phát hiện như vậy là Pavlopetri – nơi được cho là thành phố chìm cổ xưa nhất thế giới.

Pavlopetri nằm ở vùng Peloponnesus, phía nam Hy Lạp, ước tính khoảng 5.000 năm tuổi. Thành phố được nhận diện lần đầu tiên bởi nhà địa chất Folkion Negris vào năm 1904. Đến năm 1967, nhà địa – khảo cổ Nicholas Flemming từ Viện Hải dương học thuộc Đại học Southampton tái khám phá thành phố thời Đồ Đồng này. Flemming miêu tả, thành phố chìm dưới khoảng 3 – 4 m nước. Năm 1968, Flemming quay lại cùng một nhóm nhà khảo cổ học từ Đại học Cambridge để tiếp tục khảo sát khu tàn tích rộng lớn trong 6 tuần.

Sử dụng hệ thống lưới và thước tay, nhóm chuyên gia lập sơ đồ thành phố với diện tích ước tính 300 m x 150 m. Thành phố có ít nhất 15 tòa nhà riêng biệt, các sân bãi, 5 đường phố, hai lăng mộ và ít nhất 37 ngôi mộ cist – loại mộ nhỏ xây bằng đá dùng để lưu giữ xương cốt. Họ cũng phát hiện rằng thành phố dưới nước tiếp tục mở rộng về phía nam, tới đảo Pavlopetri, nơi lưu giữ tàn tích của các bức tường và vật liệu khảo cổ khác.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia cũng trục vớt một số đồ tạo tác từ đáy biển, bao gồm đồ gốm, kiếm làm bằng đá vỏ chai và đá phiến silic, một bức tượng nhỏ bằng đồng tồn tại từ khoảng năm 2800 – 1180 trước Công nguyên. Tuy nhiên, các tòa nhà của thành phố chìm chủ yếu thuộc thời kỳ Mycenae, khoảng năm 1650 – 1180 trước Công nguyên.

Tàn tích dưới nước của thành phố cổ Pavlopetri kết hợp với các cột và tường được tái tạo bằng kỹ thuật số. Ảnh: Pavlopetri Underwater Archaeology Project
Tàn tích dưới nước của thành phố cổ Pavlopetri kết hợp với các cột và tường được tái tạo bằng kỹ thuật số. Ảnh: Pavlopetri Underwater Archaeology Project

Năm 2009, nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Cổ vật Dưới nước thuộc Bộ Văn hóa Hy Lạp, Trung tâm Nghiên cứu Biển Hy Lạp và Đại học Nottingham, triển khai một dự án kéo dài 5 năm nhằm khám phá kỹ Pavlopetri. Họ muốn hiểu rõ hơn về lịch sử thành phố thông qua một cuộc khảo sát khảo cổ kỹ thuật số chi tiết và hàng loạt chuyến khai quật dưới nước.

Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm 9.000 m2 các công trình mới, bao gồm một hội trường lớn hình chữ nhật và các cấu trúc nằm dọc theo một con phố trước đó chưa lộ diện. Họ cũng tìm thấy những ngôi mộ lát đá và bình pithos – loại bình gốm lớn dùng để bảo quản thi thể trước khi chôn cất hoặc hỏa táng.

Nhóm nhà khoa học còn phát hiện những đồ gốm giúp xác nhận người Mycenae sống tại Pavlopetri và bằng chứng cho thấy thành phố có người ở trong suốt thời Đồ Đồng, từ khoảng năm 3000 đến năm 1100 trước Công nguyên. Thời kỳ này, dân số Pavlopetri là khoảng 500 – 2.000 người.

Nguyên nhân Pavlopetri chìm xuống đáy biển hiện vẫn là một bí ẩn. Một số chuyên gia suy đoán, có thể một trận động đất xảy ra vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên hoặc năm 375 đã nhấn chìm thành phố này.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *